Tích sản cổ phiếu là một phương pháp hữu ích đối với các nhà đầu tư. Phương pháp này có tính ứng dụng cao và có cơ sở khoa học rõ ràng.
Tuy đơn giản nhưng nhiều nhà đầu tư đã áp dụng không đúng cách, gây thiệt hại to lớn khi đầu tư. Bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về phương pháp qua các nội dung sau:
- Tích sản cổ phiếu là gì?
- Các bước tích sản cổ phiếu (quan trọng)
- Rủi ro của phương pháp tích sản và những sai lầm thường thấy của nhà đầu tư
Phần 1: Tích sản cổ phiếu là gì?
Tích sản cổ phiếu là việc nhà đầu tư dùng một khoản tiền cổ định để mua cổ phiếu, định kỳ hàng tháng/hàng quý/hàng năm…
Ví dụ: Một nhà đầu tư quyết định áp dụng phương pháp mua tích sản cổ phiếu đối với cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Khi thực hiện phân tích và định giá cổ phiếu HPG, nhà đầu tư cho rằng năm 2018 cổ phiếu HPG được bán với giá không hấp dẫn. Bắt đầu từ năm 2019, cổ phiếu này đã giảm xuống vùng giá hợp lý để thực hiện tích sản.
Nhà đầu tư bỏ ra một số tiền là 30 triệu đồng để mua cổ phiếu HPG vào đầu mỗi quý trong năm (Tháng 1, tháng 4, tháng 7, tháng 10, tháng 1 năm sau…). Dưới đây là kết quả mà nhà đầu tư thu được.
Trong năm 2019, giá cổ phiếu HPG dao động quanh giá vốn trung bình. Tức là nhà đầu tư lúc sẽ thấy có lãi, lúc lại thấy bị lỗ. Mức lãi cao nhất nhìn thấy là khoảng 12%. Mức lỗ lớn nhất nhìn thấy là khoảng 11%. Tổng khoảng thời gian mà nhà đầu tư thấy tài khoản chịu lỗ là gần 8 tháng. Thời gian thấy tài khoản lãi là gần 4 tháng.
Đầu năm 2020, thế giới xuất hiện dịch Covid 19. Thị trường chứng khoán thế giới và cả Việt Nam hoảng loạn, bán tháo trên diện rộng. Thời điểm giảm mạnh nhất, nhà đầu tư sẽ bị lỗ khoảng 25%. Vậy nếu nhà đầu tư cũng hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu thì thiệt hại tối đa là 25%. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư vẫn kiên trì thực hiện tích sản theo đúng kế hoạch thí số lãi cao nhất mà họ thấy được trên tài khoản trong năm 2020 là khoảng 100%. Phần lớn thời gian của năm này nhà đầu tư sẽ thấy tài khoản mình có lãi (xem biểu đồ trên).
Suốt năm 2021, nhà đầu tư không thấy tài khoản bị lỗ. Mức lãi cao nhất mà nhà đầu tư nhìn thấy trong năm này là 210%. Tuy nhiên mức lãi này giảm dần về cuối năm.
Cuối năm 2021, có nhiều thông tin cho thấy rằng nên bán cổ phiếu HPG. Nhà đầu tư thực hiện bán cổ phiếu và thu lợi nhuận về. Tùy vào thời điểm bán mà mức lợi nhuận nhà đầu tư thu được sẽ dao động từ 110% – 210%.
Lợi ích của phương pháp tích sản
- Không tốn quá nhiều thời gian cho việc mua bán cổ phiếu
- Luôn có cơ hội bán cổ phiếu khi đang lãi
Lưu ý: Tuy luôn có cơ hội bán khi lãi, nhưng nhà đầu tư cũng phải chờ đủ lâu. Tất nhiên nếu chờ lâu thì số lãi hứa hẹn sẽ lớn (do nhà đầu tư ngày càng mua thêm nhiều cổ phiếu). Như ví dụ trên, năm 2019 nhà đầu tư có thể thấy lỗ 12% nhưng chỉ đang giữ 4,400 cổ phiếu. Tới năm 2021 nhà đầu tư nhìn thấy lãi 100% – 200% và khi đó số cổ phiếu đang năm giữ đã là trên 10,000 cổ phiếu.
Tham khảo: TỔNG HỢP KIẾN THỨC CHỨNG KHOÁN
Phần 2: Các bước tích sản cổ phiếu
- Lựa chọn cổ phiếu phù hợp với phương pháp tích sản
- Xác định khoảng cách giữa các lần mua và khoản tiền dùng để mua cổ phiếu
- Thực hiện mua theo đúng kế hoạch về thời gian và số tiền đã định
- Để ý theo dõi thông tin về cổ phiếu mà mình đang tích sản
- Quản trị tâm lý trong quá trình tích sản
- Dừng tích sản
- Bán cổ phiếu
Lựa chọn cổ phiếu để tích sản
Đây là bước quan trọng nhất của phương pháp. Thường thì những sai lầm nghiêm trọng của nhà đầu tư đều từ bước này mà ra.
Cổ phiếu đủ điều kiện để tích sản phải là cổ phiếu được đánh giá là “rẻ” so với định giá.
Trong suốt thời gian thực hiện tích sản, cổ phiếu phải được nhà đầu tư xác định là “rẻ”. Nếu có một thời điểm nào đó mà cổ phiếu được xác định là “đắt” so với định giá thì nhà đầu tư cần dừng ngay việc tích sản. Sau đó chuyển qua bước giữ cổ phiếu và chuẩn bị bán.
Nếu nhà đầu tư tích sản khi cố phiếu đang có giá “đắt” thì:
- Không xác định được khi nào nên dừng tích sản và khi nào nên bán
- Có thể phải chờ rất lâu, bỏ ra rất nhiều tiền để mua cổ phiếu nhưng không chắc về việc nhìn thấy lãi. Vi có những cổ phiếu không bao giờ quay lại mức giá cao trong quá khứ, thậm chí còn bị hủy niêm yết do doanh nghiệp yếu kém.
Cổ phiếu “rẻ” hay “đắt” được xác đinh thông qua phân tích cơ bản cổ phiếu.
Tham khảo: KHÓA HỌC PHÂN TÍCH CƠ BẢN CỔ PHIẾU
Xác định khoảng cách giữa các lần mua và khoản tiền dùng để mua cổ phiếu
Khoảng cách giữa các lần mua có thể là hàng tháng, quý, năm… tùy theo điều kiện của mỗi người.
Số tiền dùng để mua cổ phiếu giữa các lần cần phải được duy trì ổn định. Lần mua sau cần bằng lần mua trước. Với số tiền bằng nhau, nếu giá cổ phiếu cao, nhà đầu tư sẽ mua được ít cổ phiếu lại. Nếu giá cổ phiếu thấp, nhà đầu tư sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn. Điều này cũng khiến giá vốn trung bình của nhà đầu tư thấp hơn.
Thực hiện mua theo kế hoạch đã định
Trước khi nhà thực hiện mua, nhà đầu tư cần kiểm tra lại mức độ “đắt”, “rẻ” của cổ phiếu mình đang tích sản.
Quản trị tâm lý trong quá trình tích sản
Trong quá trình tích sản, nhà đầu tư có thể nhìn thấy tài khoản lỗ trong một thời gian khá dài. Do đó, nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo lắng và bất an mặc dù đã thực hiện phân tích và lựa chọn cổ phiếu kỹ lưỡng. Do vậy quản trị tâm lý trong quá trình tích sản nói riêng và đầu tư nói chung là vô cùng quan trọng. Mình sẽ viết kỹ hơn về vấn đề này ở bài viết khác.
Dừng tích sản
Nhà đầu tư dừng tích sản khi giá cổ phiếu không còn “rẻ” hoặc có rủi ro lớn trong tương lai. Việc này cũng được xác định thông qua phân tích cơ bản cổ phiếu.
Bán cổ phiếu
Thường thì khi cổ phiếu đang có đà tăng, nó sẽ tăng vượt qua cả mức “giá hợp lý”. Khi đó nhà đầu tư cho là đắt và dừng tích sản. Tuy nhiên giá cổ phiếu vẫn có thể tăng tiếp. Vậy nếu đà tăng vẫn còn, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu. Nhưng nếu có dấu hiệu đà tăng đã hết, nhà đầu tư cần thực hiện bán cổ phiếu.
tham khảo: Bình quân giá xuống đúng cách trong chứng khoán
Phần 3: Rủi ro của phương pháp tích sản
Dù nhà đầu tư có thực hiện Tích sản cổ phiếu đúng cách, nhà đầu tư vẫn phải chịu những rủi ro cơ bản của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra rủi ro có thể đến từ yếu tố chủ quan:
- Nhà đầu tư chọn nhầm cổ phiếu để tích sản
- Nhà đầu tư không quản trị được tâm lý: Hưng phấn dồn nhiều tiền mua cổ phiếu khi giá đang tăng nhanh, hoặc không mua cổ phiếu khi đến thời điểm đã định vì sợ giá cổ phiếu còn giảm tiếp (khiến giá vốn trung bình của cổ phiếu tăng thì nhanh mà giảm thì chậm)
- Nhà đầu tư không định kỳ kiểm tra lại sự “đắt”, “rẻ” của cổ phiếu
Trên đây là nội dung chính của bài viết “Tích sản cổ phiếu đúng cách”. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về chứng khoán thì hãy đăng ký nhận tư vấn tại đây.
Tham khảo thêm: Khóa học Đầu tư Chứng khoán Cơ bản
Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán
Biết thêm thông tin về mình tại
Kênh YouTube: Chứng thủ
Fanpage Facebook: Chứng thủ
Facebook cá nhân: Minh Khôi
Nguyễn Minh Khôi
Điện thoại/Zalo/Telegram: 0963.153.463
Địa chỉ: Hà Nội