Hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán là bài viết bổ sung cho Các Bước tìm hiểu Chứng khoán. Bài viết giúp bạn đọc hiểu các thông tin trên bảng giá. Đồng thời bạn cũng sẽ hiểu nguyên lý khớp lệnh trên bảng giá sau khi đọc bài.
Các nội dung:
- Nên đọc bảng giá chứng khoán nào?
- Hướng dẫn đọc phần chính của bảng giá
- Nguyên tắc khớp lệnh trên bảng giá
- Các phần phụ của bảng giá
Nên đọc bảng giá chứng khoán nào?
Bảng giá chứng khoán là nơi cung cấp thông tin về các giao dịch chứng khoán trên thị trường. Bảng giá chứng khoán hiển thị thông tin theo thời gian thực (cập nhật liên tục).
Có nhiều công ty cung cấp bảng giá chứng khoán. Và bạn có thể chọn bất kỳ bảng giá nào để xem mà không cần lo lắng về tính chính xác. Lý do là vì thông tin trên bảng giá được các bên trích xuất từ 2 Sở giao dịch chứng khoán. Nên trong cùng 1 thời điểm, bảng giá nào cũng sẽ hiển thị thông tin giống nhau. Có thể lệch nhau 1 2 giây do tốc độ cập nhật của các bảng giá khác nhau. Song chênh lệch này không đáng kể.
Hiện tại mình đang công tác tại công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. Do đó mình sẽ hướng dẫn các bạn đọc bảng giá chứng khoán của Mirae Asset. Các bảng giá khác cũng có cách đọc tương tự.
Bạn mở bảng giá chứng khoán Mirae Asset tại đây. Sau đó ấn dấu “x” để xem bảng giá mà không cần đăng nhập. Hoặc tạo tài khoản chứng khoán Mirae Asset tại đây và đăng nhập vào bảng giá.
Tham khảo thêm: Video hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán
Hướng dẫn đọc phần chính của bảng giá
Mình tạm chia bảng giá chứng khoán ra thành 2 phần. Phần trên là Biểu đồ các chỉ số, tạm coi là phần phụ. Phần dưới là Phần chính của bảng giá, bao gồm các thông tin về giá và khối lượng giao dịch.
Phần dưới mình lại chia thành 8 cột lớn hiển thị những nội dung khác nhau. Sau đây sẽ giải thích từng cột.
1. Mã CK – Mã chứng khoán
Mã chứng khoán, cụ thể ở đây là mã cổ phiếu. Mã cổ phiếu ở Việt Nam quy định là 3 ký tự gồm các chữ cái in hoa hoặc số. Ví dụ: mã của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là “VNM”, của ngân hàng Vietcombank là “VCB”…
Bạn có thể chỉ chuột vào mã chứng khoán, bảng giá sẽ tự hiện tên đầy đủ của công ty. Sau này khi đầu tư quen chúng ta sẽ tự nhớ mã chứng khoán.
2. Cột giá TC, Trần, Sàn
Đây là 3 cột hiển thị 3 mức giá cố định trong phiên giao dịch của cổ phiếu. Bao gồm: Giá tham chiếu (Cột TC), giá trần (cột Trần), giá sàn (Cột Sàn).
Theo quy ước trên bảng giá, giá tham chiếu phải hiện màu vàng, giá trần hiện màu tím, giá sàn hiện màu xanh lơ (xanh da trời).
Đọc thêm:
Giá Tham chiếu là gì? Cách tính Giá tham chiếu
Giá trần giá sàn trong chứng khoán là gì?
3. Tổng KLGD – Tổng khối lượng giao dịch
Cột tổng khối lượng giao dịch hiển thị số cổ phiếu đã được giao dịch thành công trong phiên giao dịch đó. Cột này chỉ tính số cổ phiếu đã giao dịch thành công, không tính các lệnh chờ.
Khối lượng giao dịch được tính theo đơn vị cổ phiếu (x1, x10, x100 tùy bảng giá). Bảng giá của Mirae Asset như ảnh minh họa có đơn vị là x10 cổ phiếu.
Ví dụ: ở hàng mã chứng khoán ACB, cột KLGD hiện “318,610”. Có nghĩa là phiên giao dịch đó có 3,186,100 cổ phiếu ACB đã được giao dịch thành công (318,610 x 10)
Ngoài ra bạn có thể hiệu chỉnh đơn vị tính khối lượng sang x1 hoặc x100 cho thuận mắt.
Theo quy ước trên bảng giá, Tổng khối lượng giao dịch hiện màu trắng.
Nguyên tắc khớp lệnh trên bảng giá
Đúng ra chúng ta phải tiếp tục với cột 4, 5 và 6 về các lệnh chờ và khớp lệnh trên bảng giá. Nhưng ở đây mình muốn làm rõ nguyên tắc khớp lệnh trên bảng giá trước. Từ đó việc đọc các cột 4, 5, 6 ở trên sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Đặt lệnh là gì? Lệnh giao dịch là gì?
Khi nhà đầu tư đặt mua hoặc bán cổ phiếu, người ta gọi là đặt lệnh. 1 lệnh sẽ bao gồm các thông tin: Mua hay bán, cổ phiếu gì, giá bao nhiêu, khối lượng bao nhiêu.
Khi lệnh của nhà đầu tư đặt ra và có 1 lệnh đối ứng phù hợp thì sẽ xảy ra khớp lệnh. Khớp lệnh tức là giao dịch thành công.
Nguyên tắc khớp lệnh là:
- Ưu tiên về giá: Giá mua cao hơn được khớp lệnh trước. Giá bán thấp hơn được khớp lệnh trước.
- Ưu tiên về thời gian: Nếu cùng mức giá thì nhà đầu tư đặt lệnh trước được khớp lệnh trước
- Khi giá mua bằng giá bán thì khớp lệnh
Mô tả cách thức khớp lệnh
Khi 1 lệnh mới được đặt và gửi lên hệ thống, nó sẽ rơi vào 1 trong 3 trạng thái.
Trạng thái 1: Chờ khớp
Bạn đặt lệnh mua xong thì không khớp được ngay. Lúc này lệnh của bạn sẽ chuyển thành lệnh chờ khớp. Điều này xảy ra khi trên thị trường không có lệnh chờ bán nào phù hợp với lệnh mua của bạn.
Trạng thái 2: Khớp lệnh hoàn toàn
Bạn đặt mua bao nhiêu cổ phiếu, giá nào thì bạn sẽ mua được bấy nhiêu cổ phiếu giá đó. Trạng thái này xảy ra khi trên thị trường đang có sẵn 1 lệnh chờ bán với mức giá trùng với giá bạn đặt mua hoặc thấp hơn. Khối lượng lệnh chờ bán đó lớn hơn hoặc bằng khối lượng bạn đặt mua.
Trạng thái 3: Khớp 1 phần
Bạn đặt mua nhưng không mua được hết số lượng mong muốn. Chỉ mua được 1 phần. Phần còn lại sẽ tự động chuyển thành lệnh chờ mua trên bảng giá. Điều này xảy ra khi trên thị trường có sẵn 1 lệnh chờ bán với mức giá trùng với giá bạn đặt mua. Nhưng khối lượng của lệnh chờ bán này lại thấp hơn khối lượng bạn muốn mua. Do đó chỉ khớp được một phần.
3 trạng thái này cũng tương tự với lệnh đặt bán.
Xem video hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán để thấy ví dụ trực quan hơn về cách thức khớp lệnh bên trên.
4. Cột các lệnh mua đang chờ
Lệnh chờ là các lệnh chưa được giao dịch. Nó là các lệnh thuộc trạng thái 1 và một phần của trạng thái 3 như mình đã nói ở trên.
Cột các “lệnh mua đang chờ” hiển thị 3 mức giá mua cao nhất kèm theo khối lượng tương ứng của 3 mức giá đó.
Ví dụ: Cột “KL 1” hiển thị khối lượng tương ứng với mức “Giá 1”.
Giá 1 là mức giá mua cao nhất, được ưu tiên khớp trước. Nên Giá 1 được xếp gần cột khớp lệnh nhất.
5. Cột khớp lệnh
Cột này hiển thị thông tin của giao dịch gần nhất vừa được thực hiện.
Thông tin bao gồm: Giá khớp, Khối lượng khớp, Mức chênh lệch của giá khớp so với giá tham chiếu.
Thông tin ở cột này sẽ thay đổi ngay khi có 1 giao dịch mới vừa thành công (vừa khớp lệnh).
6. Cột các lệnh bán đang chờ
Cột này hiển thị 3 mức giá bán thấp nhất kèm theo khối lượng tương ứng của 3 mức giá đó.
Giá 1 lúc này là mức giá bán thấp nhất, được ưu tiên khớp trước. Nên Giá 1 bên bán cũng được xếp gần cột khớp lệnh nhất.
7. Các mốc giá trong phiên
3 cột hiển thị các mức giá:
- Cao: Giá cao nhất mà cổ phiếu từng chạm đến trong phiên
- Thấp: Giá thấp nhất mà cổ phiếu từng chạm xuống trong phiên
- Trung bình: Giá trung bình của cổ phiếu trong phiên (tính theo bình quân gia quyền)
8. ĐTNN – Đầu tư nước ngoài
Cột này thống kê khối lượng mua và bán của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ thống kê khối lượng đã khớp.
Cột “Dư NN” – Dư nước ngoài: Thể hiện số lượng cổ phiếu tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép mua thêm (Room nước ngoài).
Các phần phụ của bảng giá
Thanh tùy chọn bảng giá
- Danh mục: Giúp bạn tạo danh mục theo dõi của cá nhân. Sẽ lưu trên máy tính của bạn mà không cần đăng nhập.
- VN30: Ô để bạn chọn xem bảng giá của các cổ phiếu trong VN30 hay VNINDEX
- HNX: Ô để bạn chọn xem bảng giá của các cổ phiếu trên HNX hay HNX30
- UPCOM: Ô để bạn chọn xem bảng giá của các cổ phiếu trên UPCOM
- Phái sinh: Để bạn xem bảng giá phái sinh
- Chứng quyền: Để bạn xem bảng giá chứng quyền
- Thỏa thuận: Để bạn xem chi tiết các giao dịch thỏa thuận trên cả 3 sàn
- Lô lẻ: Bảng giá lô lẻ của HNX và UPCOM (HOSE không có bảng giá lô lẻ)
Biểu đồ các chỉ số thị trường chung
Phần biểu đồ các chỉ số thị trường chung bao gồm:
- VNINDEX: Chỉ số thị trường chung của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE
- VN30: Chỉ số thị trường chung của các cổ phiếu trong rổ VN30
- HNX Index: Chỉ số thị trường chung của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX
- HNX30: Chỉ số thị trường chung của các cổ phiếu trong rổ HNX30
- UPCOM: Chỉ số thị trường chung của tất cả các cổ phiếu giao dịch trên UPCOM
- Và còn nhiều chỉ số khác mà bảng giá Mirae Asset cung cấp. Bạn có thể bấm vào tên các chỉ số sẵn có để thay đổi chỉ số khác.
Nội dung chính của bài viết “Hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán” đã xong. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về chứng khoán thì hãy đăng ký nhận tư vấn tại đây.
Tham khảo thêm: Khóa học Đầu tư Chứng khoán Cơ bản
Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán
Biết thêm thông tin về mình tại
Kênh YouTube: Chứng thủ
Fanpage Facebook: Chứng thủ
Facebook cá nhân: Minh Khôi
Nguyễn Minh Khôi
Điện thoại/Zalo/Telegram: 0963.153.463
Địa chỉ: Hà Nội