Nhà đầu tư cần nắm rõ các loại phí thuế khi đầu tư chứng khoán để tiện cho quá trình tính toán lợi nhuận và xác định chiến lược đầu tư. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại phí thuế khi đầu tư chứng khoán và cách tính các loại phí thuế đó.
Nội dung chính:
- Phí mở tài khoản/đóng tài khoản chứng khoán
- Phí giao dịch chứng khoán
- Phí lưu ký chứng khoán
- Thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
- Thuế cổ tức
- Các loại phí thuế khác
Tham khảo: Kiến thức chứng khoán
1. Phí mở/đóng tài khoản chứng khoán
Phí mở tài khoản: Miễn phí
Hiện nay đa số các công ty chứng khoán đều áp dụng chính sách mở tài khoản chứng khoán miễn phí. Nên các nhà đầu tư không cần quá bận tâm về phí này.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán
Phí đóng tài khoản: 100.000 VND
Phí đóng tài khoản ở đa số các công ty chứng khoán là 100.000 VND. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân thông thường không nhất thiết phải đóng tài khoản. Do đó các nhà đầu tư cũng không cần bận tâm về loại phí này.
2. Phí giao dịch chứng khoán
Định nghĩa và cách tính phí giao dịch
Phí giao dịch là loại phí đáng chú ý nhất khi đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư phải trả loại phí này mỗi khi thực hiện giao dịch mua hoặc bán chứng khoán (giao dịch thành công).
Phí giao dịch được tính bằng 1 tỷ lệ % trên tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư.
Ví dụ: Mức phí giao dịch của công ty chứng khoán A là 0.15%. Một nhà đầu tư thực hiện một lệnh mua trị giá 100 triệu đồng. Lệnh này khớp hoàn toàn (giao dịch thành công). Lúc này nhà đầu tư sẽ phải trả một khoản phí giao dịch là:
100,000,000 x 0.15% = 150,000 (VND)
Khi đó tổng số tiền mà nhà đầu tư phải thanh toán là:
100,000,000 + 150,000 = 100,150,000 VND
(Một trăm triệu và một trăm năm mươi nghìn đồng).
Sau đó vài tháng, nhà đầu tư thực hiện lệnh bán lô cổ phiếu đã mua ở trên. Biết rằng khi bán giá trị lô cổ phiếu đó là 110,000,000 VND. Lệnh bán khớp hoàn toàn (giao dịch thành công). Lúc này nhà đầu tư sẽ phải trả một khoản phí giao dịch là:
110,000,000 x 0.15% = 165,000 (VND)
Vậy khi bán xong số tiền mà nhà đầu tư nhận được (chưa tính thuế) sẽ là:
110,000,000 – 165,000 = 109,835,000 (VND)
(Một trăm linh chín triệu tám trăm ba mươi lăm nghìn đồng)
Lưu ý: Số tiền nhận được sau khi bán mà ta tính phía trên chưa tính đến Thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Loại thuế mà chúng ta sẽ bàn đến ở bên dưới.
Mức phí giao dịch của các công ty chứng khoán hiện nay
Tại thời điểm tháng 3 năm 2023, phí giao dịch tại các công ty chứng khoán ở Việt Nam thường dao động từ 0.03% – 0.35%.
Trong đó, phí giao dịch cao thường thấy ở những công ty chứng khoán lâu đời, đã có lượng khách hàng quen thuộc. Phí giao dịch thấp hơn, cạnh tranh hơn, thường thấy ở những công ty chứng khoán trẻ hơn, đang muốn đánh chiếm thị phần.

Chất lượng dịch vụ của các công ty chứng khoán có thị phần top đầu đều khá tốt. Do đó khi lựa chọn một trong các công ty chứng khoán top đầu, người ta thường để tâm tới chất lượng tư vấn và phí giao dịch.
Tham khảo thêm về cách chọn công ty chứng khoán tại “Bước 1” của bài viết Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán.
Hiện tại mình đang công tác tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS), một trong các công ty top đầu cả về vốn lẫn thị phần tại Việt Nam. Mời các bạn mở tài khoản chứng khoán Mirae Asset để mình hỗ trợ các bạn một cách tiện nhất. Xem hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán Mirae Asset tại đây.
Lý do có phí giao dịch chứng khoán
Phí giao dịch được công ty chứng khoán thu của nhà đầu tư với mục đích duy trì và phát triển hệ thống, giúp các nhà đầu tư có thể giao dịch bình thường và ổn định.
Ngoài ra, Sở giao dịch chứng khoán cũng thu phí giao dịch. Phí này Sở sẽ thu từ các công ty chứng khoán với mục đích là duy trì và phát triển sàn giao dịch. Mức phí cố định là 0.03% tổng giá trị giao dịch. Ví dụ phí giao dịch công ty chứng khoán thu của nhà đầu tư là 0.15% tổng giá trị giao dịch, thì sau đó công ty chứng khoán phải trả về cho Sở giao dịch 0.03% tổng giá trị giao dịch.
Xem thêm: Video Các loại phí và thuế cần biết khi đầu tư chứng khoán
3. Phí lưu ký chứng khoán
Phí lưu ký chứng khoán do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thu của nhà đầu tư (công ty chứng khoán đứng ra thu hộ). Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam viết tắt là VSD.
Phí lưu ký chứng khoán là một loại phí đánh vào việc nắm giữ chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư sẽ phải trả một khoản phí nhỏ, để VSD đứng ra đảm bảo quyền sở hữu của các nhà đầu tư đối với chứng khoán trong tài khoản của mình và ghi nhận sự thay đổi số chứng khoán trong tài khoản nếu có.
Phí lưu ký được thu hàng tháng.
Mức phí lưu ký
Theo quy định, mức phí lưu ký hiện nay là 0.3 VND/tháng/cổ phiếu. (Mức phí này áp dụng cho Cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ, Chứng quyền).
Ngoài ra, phí lưu ký áp dụng với trái phiếu là 0.2 VND/tháng/trái phiếu. Tuy nhiên đa số các nhà đầu tư các nhân thường đầu tư cổ phiếu.
Như vậy ta thấy phí lưu ký chứng khoán rất nhỏ, không đáng kể.
Cách tính phí lưu ký
Ví dụ: Nhà đầu tư A đang nắm giữ 1,000 cổ phiếu MBB. Biết rằng trong 1 tháng, nhà đầu tư không giao dịch gì, tức là số cổ phiếu không thay đổi. Khi đó, phí lưu ký mà nhà đầu tư phải trả vào cuối tháng là:
1,000 x 0.3 = 300 (VND)
(ba trăm đồng)
Như vậy, phí lưu ký chỉ tính dựa trên “số cổ phiếu” mà không tính đến “giá cổ phiếu”.
Ví dụ phức tạp hơn: Nhà đầu tư A đang nắm giữ 1,000 cổ phiếu MBB từ đầu tháng. Đến ngày thứ 15, nhà đầu tư mua thêm 500 cổ phiếu LPB. Tới ngày 17 mới bắt đầu tính phí lưu ký của lô cổ phiếu mới mua. (Lý do tính phí từ ngày 17 mà không phải ngày 15 là vì ngày 17 lô cổ phiếu mới mua mới thực sự về tài khoản. Xem thêm: T+1.5 trong chứng khoán là gì?).
Như vậy, tài khoản của nhà đầu tư có 1,000 cổ phiếu trong 16 ngày đầu tháng, và 1,500 cổ phiếu trong 14 ngày cuối tháng. Phí lưu ký được tính như sau:
[(1,000 x 16 + 1,500 x 14) / 30] x 0.3 = 370 (VND)
(ba trăm bảy mươi đồng)
4. Thuế thu nhập từ chuyển nhượng bán chứng khoán
Loại thuế này Nhà nước thu của người bán chứng khoán, không thu của người mua. Mức thuế này là 0.1% của tổng giá trị bán chứng khoán.
Ví dụ, nhà đầu tư A bán một lô cổ phiếu trị giá 110,000,000 VND. Biết phí giao dịch là 0.15%. Thuế thu nhập từ chuyển nhượng bán (gọi tắt là thuế bán) là 0.1%. Khi đó:
Phí giao dịch nhà đầu tư phải chịu là:
110,000,000 x 0.15% = 165,000 (VND)
Thuế bán phải trả là:
110,000,000 x 0.1% = 110,000 (VND)
Vậy số tiền nhà đầu tư nhận được sau khi bán là:
110,000,000 – 165,000 – 110,000 = 109,725,000 (VND)
(Một trăm linh chín triệu bảy trăm hai lăm nghìn đồng)
5. Thuế cổ tức tiền mặt, thuế cổ tức cổ phiếu và cổ phiếu thưởng
Đây là loại thuế Nhà nước thu của nhà đầu tư (Công ty chứng khoán thu hộ) khi nhà đầu tư được nhận cổ tức.
Mức thuế cổ tức là 5% số cổ tức nhận được. Chi tiết về loại thuế này vui lòng xem ở phần cuối của bài viết Cổ tức là gì? Nhận cổ tức có lợi không?.
6. Các loại phí thuế khác (không thường xuyên)
Vẫn còn các loại phí thuế khi đầu tư chứng khoán khác. Nhưng những loại phí và thuế này chỉ phát sinh trong những trường hợp đặc biệt (nhà đầu tư sử dụng những dịch vụ đặc biệt). Các loại phí và thuế này có thể là:
- Phí ứng trước tiền bán
- Phí liên quan đến giao dịch cho, nhận, thừa kế chứng khoán
- Phí giao dịch ngoài sàn
- Phí chào mua công khai
- Phí dịch vụ tin nhắn SMS (một số công ty chứng khoán thu, một số không thu)
Nội dung chính của bài viết “Các loại phí thuế khi đầu tư chứng khoán” đã xong. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về chứng khoán thì hãy đăng ký nhận tư vấn tại đây.
Tham khảo thêm: Khóa học Đầu tư Chứng khoán Cơ bản
Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán
Biết thêm thông tin về mình tại
Kênh YouTube: Chứng thủ
Fanpage Facebook: Chứng thủ
Facebook cá nhân: Minh Khôi
Nguyễn Minh Khôi
Điện thoại/Zalo/Telegram: 0963.153.463
Địa chỉ: Hà Nội