Bình quân giá xuống đúng cách trong chứng khoán

Bình quân giá xuống (hay Trung bình giá xuống) là một trong những Kỹ năng Mua Bán Cổ phiếu cơ bản mà bạn cần biết khi đầu tư chứng khoán. Bình quân giá xuống không chỉ đơn giản là cứ khi nào cổ phiếu xuống giá thì mua. Nếu bạn thực hiện không đúng cách, phương pháp này sẽ dẫn đến những kết quả không như ý.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được bản chất của phương pháp Bình quân giá xuống, cách thức phương pháp này đem lại lợi nhuận cho bạn cũng như phương pháp thực hiện Bình quân giá xuống đúng cách trong chứng khoán.

Bài viết cũng thường được đọc kèm với: Kiến thức Chứng khoán và Tích sản cổ phiếu đúng cách

Nội dung chính của bài viết bao gồm:

  • Phương pháp Bình quân giá xuống giúp bạn kiếm lợi nhuận như thế nào?
  • Khi nào nên áp dụng phương pháp mua Bình quân giá xuống?

Phần 1: Phương pháp Bình quân giá xuống giúp bạn kiếm lợi nhuận như thế nào?

Nguyên lý:

Với các khoản tiền cố định bằng nhau, khi giá cổ phiếu giảm, lần mua sau sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn lần mua trước. Khi đó, giá trung bình của mỗi cổ phiếu ta đang nắm giữ sẽ giảm đi. Khi cổ phiếu bắt đầu tăng trở lại mức giá cũ thì chúng ta sẽ có lãi.

Cách thức kiếm lợi nhuận bằng phương pháp bình quân giá xuống
Hình 1: Cách thức kiếm lợi nhuận bằng phương pháp bình quân giá xuống (Link gốc ảnh)

Ví dụ minh họa (xem kèm với “Hình 1” bên trên bằng cách bấm vào “Link gốc ảnh”):

Cổ phiếu X trước đây đang trong thời kỳ tăng giá và bạn đánh giá được đây là một cổ phiếu tốt. Bạn dự định sẽ đầu tư vào 3 tỷ vào cổ phiếu này.

Bạn quyết định mua trước một phần. Bạn dùng 1 tỷ đồng mua được 10.000 cổ phiếu này với giá 100.000 VNĐ/cổ phiếu.

Không may, vì lý do khách quan mà cổ phiếu giảm giá chỉ còn 75.000 VNĐ/cổ phiếu. Đây là cơ hội để bạn gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu này. Bạn dùng thêm 1 tỷ đồng mua được 13.300 cổ phiếu với giá này.

Cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm giá xuống 50.000 VNĐ/cổ phiếu. Mức giá này đã giảm khá sâu từ mức giá ban đầu bạn mua. Bạn quyết định giải ngân nốt 1 tỷ còn lại và mua được 20.000 cổ phiếu X.

Bạn hiểu rõ về doanh nghiệp X nên rất tự tin vào khoản đầu tư này. Do đã dùng hết số tiền ban đầu dự định để mua cổ phiếu X nên khi cổ phiếu tiếp tục giảm giá, bạn không mua thêm nữa.

Lúc này, bạn đã bỏ ra 3 tỷ và sở hữu 43.300 cổ phiếu X. Giá mua trung bình trên mỗi cổ phiếu là:

3.000.000.000 / 43.300 = 69.300 (VNĐ/cổ phiếu)

Như vậy điểm hòa vốn của bạn là khi cổ phiếu có giá 69.300.

Do cổ phiếu X là một cổ phiếu tốt nên sau một thời gian sẽ quay trở lại mức giá cũ 100.000 VNĐ/cổ phiếu. Lúc này bạn sẽ lãi 44,3%. Từ 3 tỷ ban đầu, bạn sẽ có 4,329 tỷ sau một thời gian.

Phản biện: Tại sao không chờ giá cổ phiếu giảm hẳn xuống đáy rồi dùng 3 tỷ mua một thể mà phải bình quân giá xuống?

Tại sao phải bình quân giá xuống
Chờ giá cổ phiếu giảm hẳn xuống đáy rồi mới dùng 3 tỷ mua (Link gốc ảnh)

Nếu nhìn trên đồ thị trên thì ta thấy một điều hiển nhiên là nếu ta dồn cả 3 tỷ mua cổ phiếu X với giá 50 thì khi cổ phiếu tăng trở lại 100 ta sẽ có lãi cao nhất. Trong trường hợp này, mua được cổ phiếu X với giá 50 là mong muốn của tất cả các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cách mua này được gọi là “Bắt đáy cổ phiếu”, đây là Kỹ năng Mua bán Cổ phiếu nâng cao. Cách mua này không hề dễ thực hiện kể cả khi bạn đã nắm được lý thuyết. Thị trường luôn luôn khó đoán và đầy bất ngờ. Do đó nếu dồn toàn lực để bắt đáy cổ phiếu, bạn sẽ phải chịu rủi ro lớn.

Bạn phải có đủ những điều kiện sau để có thể “Bắt đáy cổ phiếu”:

  • Bạn phải nắm được lý thuyết (quan sát đồ thị, chỉ báo; quan sát lệnh đặt và lệnh khớp trong phiên)
  • Bạn có đủ thời gian để quan sát diễn biến giá của cổ phiếu trong phiên giao dịch (thường thì bạn phải là nhà đầu tư toàn thời gian)
  • Bạn chấp nhận rủi ro cao

Rủi ro khi bắt đáy cổ phiếu là việc bạn không biết mình đang ở giai đoạn nào trong bức tranh toàn cảnh của cổ phiếu. Khi bạn mua bắt đáy cổ phiếu chỉ vì giá cổ phiếu đã giảm đáng kể so với trước đó, bạn sẽ đối mặt với 3 trường hợp.

Rủi ro khi bắt đáy cổ phiếu: 3 trường hợp có thể xảy ra

3 trường hợp có thể xảy ra khi bắt đáy cổ phiếu
3 trường hợp có thể xảy ra khi bắt đáy cổ phiếu

Trường hợp 1: Bức tranh mà bạn nhìn thấy mới là 1/3 của bức tranh tổng thể

Trường hợp 2: Bức tranh mà bạn nhìn thấy mới là 1/2 của bức tranh tổng thể

Trường hợp 3: Bạn đã nhìn thấy đáy

Nếu bạn nắm được lý thuyết về bắt đáy nhưng không có đủ thời gian quan sát, và không muốn chịu rủi ro cao, bạn vẫn nên chọn mua bình quân giá xuống.

Phần 2: Khi nào nên áp dụng phương pháp mua Bình quân giá xuống

Phương pháp mua bình quân giá xuống có thể thực hiện bất cứ khi nào. Tuy nhiên bạn cần lưu ý 1 số vấn đề sau:

Bạn phải biết rõ về cổ phiếu mà mình mua

Biết rõ có nghĩa là bạn đã hiểu rõ giá trị nội tại của doanh nghiệp, nắm được tiềm năng của doanh nghiệp mà bạn nắm cổ phiếu.

Thông qua phân tích, bạn cho rằng doanh nghiệp này đang có định giá rẻ, hấp dẫn đầu tư. (Tham khảo: Khóa học Phân tích Chứng khoán Cơ bản)

Khoảng cách giữa các lần mua phải đủ dài cả về thời gian và mức chênh lệch giá

Nếu bạn vừa mua lần 1 trong những ngày gần đây thì bạn chưa nên vội và mua ngay lần 2.

Nếu mức giá cổ phiếu chưa giảm quá sâu so với giá bạn mua (khoảng 5 – 10%) thì bạn cũng chưa cần vội vàng bình quân giá xuống.

Kết luận:

Trên đây là phương pháp mua Bình quân giá xuống, một trong những phương pháp giao dịch chứng khoán cơ bản nhưng rất hiệu quả. Phù hợp với những anh chị thích sự đơn giản nhưng hiệu quả trong đầu tư.

Nếu anh chị là nhà đầu tư chủ động, tức luôn muốn tìm kiếm cơ hội mua bán cổ phiếu một cách chủ động nhằm tối ưu lợi nhuận đạt được thì chúng ta sẽ cần tới những kỹ năng khác phức tạp hơn.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, anh chị và các bạn có thể để lại thông tin tại Đăng ký nhận tư vấn. Mình sẽ chủ động liên hệ lại và giải đáp giúp các bạn.

Tham khảo thêm: Khóa học Đầu tư Chứng khoán Cơ bản

Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán

Biết thêm thông tin về mình tại

Kênh YouTube: Chứng thủ

Fanpage Facebook: Chứng thủ

Facebook cá nhân: Minh Khôi

Nguyễn Minh Khôi

Điện thoại/Zalo/Telegram: 0963.153.463

Địa chỉ: Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *